Nhiều người thường quan niệm, phụ cấp thâm niên chỉ dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước. Với quy định của pháp luật hiện hành thì liệu quan niệm này có đúng?
Phụ cấp thâm niên là gì?
Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể về phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường vẫn có thể hiểu phụ cấp thâm niên là khoản phụ cấp dành cho những người làm việc lâu năm, với ý nghĩa khuyến khích gắn bó lâu dài với công việc.
Ngoài ra, cũng tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định chi tiết phụ cấp thâm niên với một số đối tượng như:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân;
- Hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân;
- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu;
- Cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm;
- Giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.
Người lao động có được phụ cấp thâm niên không?
Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2012, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH giải thích rõ, phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt cũng như mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh.
Cụ thể, bù đắp cho tính phức tạp của công việc, như công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao; yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao động…
Như vậy, có thể thấy, phụ cấp thâm niên cũng là một trong những loại phụ cấp lương theo pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tương tự các loại phụ cấp khác, phụ cấp thâm niên chỉ mang tính hỗ trợ, bù đắp một phần chi phí do tính chất công việc.
Do đó, không phải người lao động nào cũng có phụ cấp thâm niên và người sử dụng lao động cũng không bắt buộc phải trả phụ cấp thâm niên cho người lao động như những đối tượng theo Luật định đã nêu.
(Nguồn: Luatvietnam)