Hướng dẫn cách tính tiền thai sản năm 2020

5/29/2020 - 981 lượt xem.
Việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020 tác động ít nhiều đến các khoản tiền thai sản năm 2020. Thông tin cụ thể cách tính các khoản tiền này của năm tới được đề cập dưới đây.
Chế độ thai sản 2020 là 1 trong những mối quan tâm hàng đầu của người lao động khi sinh con. Trong thời gian nghỉ sinh con, người lao động sẽ không được hưởng lương do người sử dụng lao động trả mà được hưởng các khoản trợ cấp theo chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội.

1. Tiền trợ cấp một lần khi sinh con ( tiền tã lót thai sản)
Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

- Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

- Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Theo đó, mức lương cơ sở được lấy làm căn cứ để tính tiền trợ cấp một lần khi sinh con. Từ nay đến ngày 30/06/2020, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng và từ ngày 01/07/2020, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng.
Như vậy:
- Nếu sinh con trước ngày 01/07/2020, mức trợ cấp một lần cho mỗi con là: 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng.
- Nếu sinh con từ ngày 01/07/2020, mức trợ cấp 1 lần cho mỗi con là: 1.600.000 đồng x 2 = 3.200.000 đồng.
Có thể thấy, nếu như sinh con từ ngày 01/07/2020 trở đi, mức trợ cấp 1 lần cho mỗi con tăng 220.000 đồng so với thời điểm trước.
Lưu ý: trong trường hợp vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng sẽ được khoản tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con nêu trên.




2. Tiền thai sản trong thời gian nghỉ sinh:
Hiện nay, lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng.
Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội chỉ rõ:
- Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ như sau:
Chị A đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2019 với mức lương đóng bảo hiểm xã hội là 06 triệu đồng/tháng;
- Từ tháng 01/2020 đến tháng 03/2020, mức lương đóng bảo hiểm xã hội của chị là 07 triệu đồng/tháng.
- Tháng 04/2020, chị nghỉ sinh con.
Như vậy, mức bình quân tiền tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi chị nghỉ sinh con là 6,5 triệu đồng. Đây chính là mức hưởng chế độ thai sản hàng tháng của chị.
Chị nghỉ sinh trong vòng 06 tháng, nên tổng số tiền thai sản chị nhận được trong thời gian này là = 6,5 triệu đồng/tháng x 6 = 39 triệu đồng.

3. Tiền dưỡng sức sau sinh:
Theo Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cụ thể như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh 1 lần từ 2 con trở lên;
- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh mổ;
- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Thời gian nghỉ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, lao động nữ được hưởng tiền trợ cấp với mức mỗi ngày bằng 30% lương cơ sở.
Như vậy, nếu nghỉ dưỡng sức từ trước ngày 01/7/2020, mức tiền dưỡng sức là 447.000 đồng/ngày; từ ngày 01/7/2020 trở đi là 480.000 đồng/ngày.

Ví dụ: Chị B phải sinh mổ. Ngày 20/5/2020, chị hết thời gian nghỉ 06 tháng thai sản nhưng do điều kiện sức khỏe chưa ổn định, chị xin nghỉ dưỡng sức. Theo quy định chị được nghỉ 07 ngày với mức hưởng tiền dưỡng sức mỗi ngày là 447.000 đồng/ngày.
Do đó, tổng tiền dưỡng sức mà chị là: 447.000 đồng x 7 = 3.129.000 đồng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 166 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để được nhận tiền dưỡng sức sau sinh, người lao động phải có tên trong Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

Dù pháp luật không quy định cụ thể các giấy tờ người lao động cần chuẩn bị, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho mình, người lao động nên cung cấp đầy đủ, kịp thời các giấy tờ theo yêu cầu của người sử dụng lao động khi lập danh sách này.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến cách tính tiền thai sản năm 2020 và cách tính đối với từng khoản tiền cụ thể. Với việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020, mức trợ cấp một lần khi sinh con và tiền dưỡng sức sau sinh được tăng lên ít nhiều.

Đây là điểm khác biệt lớn nhất của chế độ thai sản năm 2020, còn lại các quyền lợi khác hầu như vẫn không có gì thay đổi so với những năm trước đây.
(Nguồn: Luatvietnam)

Tags: