Lương làm thêm giờ có phải đóng bảo hiểm xã hội?

6/24/2020 - 743 lượt xem.
Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài giờ làm việc bình thường theo quy định, khi đó, người lao động được trả lương làm thêm giờ. Vậy tiền lương làm thêm giờ có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không?

Lương làm thêm giờ cao hơn lương bình thường


Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

- Vào ngày thường: Ít nhất bằng 150%.

Trong đó, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần.

- Vào ngày nghỉ hàng tuần: Ít nhất bằng 200%.

Trong đó, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Người sử dụng lao động có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần.

- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương: Ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.


Ví dụ:

Anh A làm việc theo giờ hành chính tại Công ty X với đơn giá tiền lương 200.000 đồng/ngày. Do yêu cầu báo cáo gấp tình hình thực hiện dự án, anh phải làm thêm giờ.

Khi đó, anh sẽ được trả lương 150% x 200.000 đồng/ngày = 300.000 đồng/ngày cho ngày làm việc làm thêm giờ.


Cách tính lương làm thêm giờ, tăng ca (Ảnh minh họa)


Lương làm thêm giờ có phải đóng bảo hiểm xã hội?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:

- Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng.

- Phụ cấp lương là các khoản để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động…

- Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Trong khi đó, tiền lương làm thêm giờ lại là khoản tiền không xác định được mức cụ thể, bởi doanh nghiệp sẽ trả lương theo thời gian làm việc thực tế, người làm nhiều được hưởng nhiều, người làm ít được hưởng ít.

Do đó, tiền lương làm thêm giờ sẽ thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 47 - là khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Vì vậy, tiền lương làm thêm giờ sẽ không phải đóng BHXH.


(Nguồn: Luatvietnam)

Tags: